Nhiều yếu tố tác động giá lên các mặt hàng vào cuối năm

Việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, chi phí sẽ tác động làm tăng CPI.

Thị trường trong nước ngoài bị ảnh hưởng của thị trường thế giới còn có những diễn biến phức tạp khi cơn bão Yagi (bão số 3) đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống của người dân.

Đặc biệt, giá các mặt hàng nông sản như rau xanh, thực phẩm tươi sống tăng mạnh trong và sau khi miền Bắc chịu ảnh hưởng bởi bão số 3. Bình quân trong tháng 10, giá gạo bắc thơm tại Nam Định, Hưng Yên tăng hơn 500 đồng/kg; giá thịt lợn hơi có xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước, ở mức 64.000 – 67.000 đồng/kg, mức tăng cao nhất được ghi nhận ở Hưng Yên (tăng 1.000 đồng/kg so với tháng trước).

mm-1.jpg

Dự báo về xu hướng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đại diện của Cục Quản lý giá đã chỉ ra những yếu tố tác động đến CPI trong 2 tháng cuối năm 2024 – Ảnh: IT

Các địa phương miền Trung – Tây Nguyên giá thịt lợn giảm nhiều nơi, dao động ở mức 61.000 – 64.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp cũng tăng liên tiếp trong tháng 10 ở miền Bắc do nguồn cung eo hẹp bởi bão số 3, hiện giá gà công nghiệp phổ biến ở mức 35.000 – 38.000 đồng/kg, cá biệt loại gà công nghiệp hơn 4kg/con có giá 38.500 đồng/kg. Tại miền Nam, do thời tiết mưa nắng thất thường nên giá gà công nghiệp cũng tăng nhẹ quanh mức 33.000 – 35.000 đồng/kg…

Tính từ tháng 2 tới nay, một số hãng tàu nước ngoài đã tăng phụ thu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng biển Việt Nam, mức tăng chủ yếu là phụ thu bốc dỡ container tại bến cảng. Theo thống kê của một số hãng, mức tăng trung bình từ 5 – 20%.

Giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển cũng tăng cao trong 7 tháng đầu năm do các vấn đề xung đột Biển Đỏ khiến hành trình tàu kéo dài và việc tắc nghẽn hàng hóa tại một số cảng biển lớn trên thế giới đã đẩy giá cước lên cao. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7 đến nay giá liên tục giảm nên giá cước đã trở về trạng thái bình thường. Theo dự báo của một số hãng tàu, giá cước tiếp tục giảm trong thời gian tới nhưng mức độ giảm có thể chậm hơn so với sản lượng hàng hóa tăng và dịp cuối năm.

Giá vé máy bay cũng được ghi nhận tăng so với cùng kỳ năm 2023. Để giảm áp lực về giá vé máy bay, Bộ Giao thông vận tải triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm ổn định nguồn cung vận tải hàng không bằng cách tập trung điều chỉnh thời gian khai thác, giảm thời gian quay đầu tàu bay để chuyển tiếp chặng bay, tăng cường thêm các chuyến bay đêm để bù đắp lượng tải thiếu hụt do sụt giảm đội tàu.

Bên cạnh các mặt hàng tăng giá cũng còn nhiều mặt hàng khác như giá vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu không biến động tăng giá, thậm chí một số mặt hàng như phân bón, cước viễn thông… còn giảm nhẹ. Đặc biệt, giá xăng dầu sau 44 kỳ điều hành đã giảm mạnh, giá thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 giúp kiềm chế lạm phát bởi đây là mặt hàng đóng vai trò thiết yếu trong việc cấu thành giá nhiều mặt hàng đang lưu thông trên thị trường.

Dự báo về tác động do điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý sẽ làm tăng CPI trong những tháng cuối năm, đại diện của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, chi phí sẽ tác động làm tăng CPI.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục – Đào tạo, việc điều chỉnh học phí năm học 2023-2024 và năm học 2024-2025 theo Nghị định số 81 và Nghị định số 97 sẽ tác động làm cho CPI năm 2024 tăng khoảng 0,19 – 0,25%. Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, việc tăng trần học phí giáo dục nghề nghiệp sẽ tác động làm tăng CPI năm 2024 khoảng 0,1%.

Bộ Y tế dự kiến điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng thực hiện vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11.2024 theo tiến độ ban hành Quyết định giá KBCB cho một số cơ sở KBCB trực thuộc Bộ Y tế và các bộ khác; trên cơ sở đó HĐND cấp tỉnh quy định giá cụ thể dịch vụ KBCB tại địa phương… cũng sẽ làm tăng CPI.

Trong 3 tháng cuối năm 2024, mức biến động của chỉ số giá điện sinh hoạt sẽ vừa chịu tác động từ việc điều chỉnh giá bán điện vào ngày 11.10.2024, vừa phụ thuộc vào lượng tiêu thụ điện có thể làm tăng giá điện tính trên tổng doanh thu và sản lượng tiêu thụ.

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể biến động theo xu hướng tăng (nhất là vào giai đoạn cuối năm, mùa lạnh, nhu cầu khí đốt tăng) ảnh hưởng tới giá mặt hàng xăng dầu, khí đốt và các mặt hàng khác tại thị trường trong nước.

Ngoài ra, thiệt hại do mưa lũ tại các địa phương làm tăng nhu cầu vật liệu xây dựng cho sửa chữa, xây mới nhà cửa bị bão lũ làm hư hại khiến cho giá vật liệu xây dựng tăng. Rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi, đồng thời, theo quy luật, các tháng cuối năm vào dịp lễ tết giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI chung.

Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý giá cũng nhận định có một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như lạm phát toàn cầu hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát. Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, có thể linh hoạt điều chuyển nguồn hàng giữa các vùng miền để bù đắp lượng hàng bị thiếu hụt cục bộ như trong đợt bão lũ vừa qua tại các tỉnh miền Bắc.

Giá gạo xuất khẩu dự báo có xu hướng giảm trong thời gian tới do Ấn Độ quay lại thị trường xuất khẩu gạo. Trong những tháng tới do nguồn cung cấp rau xanh dồi dào, thời tiết tốt nên rau cũng màu mỡ hơn, chi phí vận chuyển giảm nên dự báo giá rau sẽ có xu hướng giảm.

Căn cứ theo Nghị định số 97, học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên được tiếp tục giữ ổn định như mức thu trước đây, do đó trong năm 2024 cơ bản không tác động tới CPI chung. Nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dùng ngân sách địa phương miễn giảm học phí các cấp năm học 2024-2025. Một số chính sách hỗ trợ về thuế tiếp tục được thực hiện như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế GTGT góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa và dịch vụ.

“Chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong những năm qua sẽ giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó giúp ổn định lạm phát kỳ vọng”, đại diện Cục Quản lý giá nhấn mạnh.

Hòa Bình (t/h)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
Tính cấp thiết của đường sắt tốc độ cao trong bối cảnh hiện tại

Đường sắt tốc độ cao sẽ được kết nối hoàn chỉnh trong mạng lưới giao thông

Báo cáo tiền khả thi dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đã tính đến việc kết
4ff4930a90a228fc71b3.jpg

Diễn đàn Hợp tác Việt Nam – EU ‘Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững’

Ngày 7.11 tại TP.HCM đã diễn ra diễn đàn Hợp tác Việt Nam – EU “Nỗ lực thích ứng vì tư

Bài đăng mới

TP.HCM và ĐBSCL hợp tác phát triển

Tối 29.11, tại TP.Cần Thơ, UBND TP.HCM phối hợp với UBND các tỉnh thành vùng ĐBSCL tổ chức Hội nghị sơ kết “Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh thành

Mời tham gia sáng tác logo kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam

Hội Nhà báo Việt Nam vừa có công văn 582/VC-NBVN về việc hưởng ứng sáng tác mẫu logo 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam cùng nhiều hoạt động hướng tới ngày kỷ niệm này. Hội báo

Lần đầu tiên người dân Hà Nội trải nghiệm ‘phở số’ do robot phục vụ

Du khách có cơ hội thưởng thức các món phở truyền thống đặc trưng của Hà Nội và trải nghiệm “phở số” hoàn toàn mới lạ và hiện đại. UBND TP.Hà Nội đã ký ban hành kế hoạch về

LyLy Sốp – Cửa Hàng Đồng Giá 19K Uy Tín Với Cam Kết Chất Lượng và Minh Bạch

Trên thị trường hiện nay, các cửa hàng đồng giá đã trở thành địa chỉ mua sắm quen thuộc của nhiều người tiêu dùng. Các cửa hàng đồng giá mang lại sự tiện lợi và tiết kiệm nhờ giá