Ngày 24/4, Hội An toàn giao thông Việt Nam tổ chức Đại hội Đại biểu khóa II nhiệm kỳ 2024-2029.
Theo quy hoạch phát triển giao thông đường bộ, từ nay đến 2030, nước ta sẽ có khoảng 5.000 km đường cao tốc được xây dựng và đưa vào hoạt động. Việc tái cơ cấu vận tải, tăng tỷ lệ vận tải cho vận tải thủy nội địa và vận tải đường sắt, giảm áp lực cho vận tải đường bộ không diễn ra theo kế hoạch.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch phụ trách Hội ATGT Việt Nam báo cáo tổng kết nhiệm kỳ tại đại hội.
Hệ thống đường sắt, dù đang được nâng cấp cải tạo, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải. Hệ thống đường bộ vẫn đóng vai trò chủ đạo trong vận tải hành khách và hàng hóa. Đồng thời, phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang bị chậm tiến độ…
Đánh giá đây là thách thức lớn với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là an toàn giao thông đường bộ, Hội xác định thời gian tới có một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục phối hợp với văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT để tham gia các chương trình, hội nghị, hội thảo chuyên đề liên quan đến ATGT các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không và hàng hải.
Từ khi thành lập đến nay, Hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các địa phương tổ chức các hội nghị tập huấn ATGT, tập trung vào 2 lĩnh vực có diễn biến về trật tự và ATGT phức tạp là đường bộ và đường thủy nội địa.
Tuy nhiên, từ tháng 8/2019 đến nay, do nhân sự Chủ tịch hội có biến động lớn nên đã hơn 3 năm vẫn chưa lựa chọn bầu được Chủ tịch hội, ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II của hội.
“Hội đã tăng cường hoạt động phản biện xã hội về ATGT, vận động nhiều chuyên gia có kiến thức chuyên sâu, có bề dày kinh nghiệm để tham gia với tư cách hội viên, cộng tác viên để nâng cao hơn nữa chất lượng phản biện xã hội của hội đối với 5 lĩnh vực chuyên ngành về ATGT”, ông Hùng nói và khẳng định, hội đã có những đóng góp tích cực vào kéo giảm tai nạn giao thông trong những năm gần đây, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí về số người chết và số người bị thương.
Các đại biểu tham gia biểu quyết tại Đại hội Đại biểu Hội An toàn giao thông Việt Nam khóa II, nhiệm kỳ 2024-2029.
Tại đại hội, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch phụ trách Hội cho biết thời gian qua, hội đã tham gia nhiều hoạt động, tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ATGT như góp ý, bổ sung, sửa đổi luật Giao thông đường bộ 2008 và các Nghị định sửa đổi của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực… Hội ATGT VN đã phân công các chuyên gia dành nhiều công sức để tham gia đóng góp để sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản QPPL liên quan đến việc đảm bảo trật tự ATGT của 5 lĩnh vực chuyên ngành gồm: Đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không.
Cùng đó, tiếp tục tham gia, đóng góp ý kiến phản biện trong xây dựng, sửa đổi các văn bản QPPL liên quan đến công tác đảm bảo trật tự ATGT, tập trung vào các lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa là những lĩnh vực TNGT vẫn ở mức cao.
Đặc biệt, dự kiến thành lập Viện nghiên cứu về ATGT, để có các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu về ATGT trong lĩnh vực đường bộ nhằm đưa ra các kiến nghị, giải pháp với cơ quan quản lý Nhà nước, giảm thiểu tai nạn giao thông…
Phát biểu tại Đại hội, ông Phạm Việt Công, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng trong các thành phần thành viên của hội, có nhiều người đã và đang là lãnh đạo cao cấp, có kinh nghiệm trong các lĩnh vực.
Các thành viên trong ban chấp hành khóa II, nhiệm kỳ 2024-2029 của Hội An toàn Giao thông Việt Nam.
Đây là kế điều mà hội cần phát huy trong thời gian tới để có những đóng góp cho Đảng, Chính phủ về các chính sách, pháp luật, cũng như phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt việc tham gia giao thông an toàn.
Ông Công đề nghị trong giai đoạn tiếp theo, hội cần xây dựng những kế hoạch cụ thể, có những chủ trương theo từng năm, từng khóa, tham gia vào các cơ chế chính sách của các bộ, ban, ngành, phủ rộng ở các lĩnh vực.
“Hội cũng cần tăng cường phối hợp với các địa phương, trao đổi thông tin, có những trải nghiệm thực tiễn. Từ đó, tham gia vào việc xây dựng các cơ chế chính sách cụ thể, thiết thực, gắn với đời sống nhân dân, có các giải pháp đảm bảo ATGT hiệu quả trong thời gian tới”, ông Công đề nghị và hy vọng hội sẽ luôn là đơn vị tư vấn cho các bộ, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả các chính sách trong việc đảm bảo ATGT.
Đăng Lâm
Nguồn: https://giaothong24h.vn/ong-nguyen-manh-hung-duoc-bau-lam-chu-tich-hoi-an-toan-giao-thong-viet-nam-khoa-ii.html