Ông Phạm Đức Long – Thứ trưởng Khoa học – Công nghệ khẳng định “Ứng dụng công nghệ thông tin thì phổ biến, ai cũng có thể làm nhưng chuyển đổi số thì chỉ người đứng đầu, vì chỉ có người đứng đầu mới quyết định chuyển đổi. Đây là tinh thần của Nghị quyết 57″.
Phát biểu tại hội nghị giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngày 15.4, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB Lưu Trung Thái cho biết theo kinh nghiệm MB chuyển đổi số trong nhiều năm qua, cần có tư duy làm việc và áp dụng các phương pháp giống như các công ty công nghệ.
Trên cơ sở đó, để có quy mô khách hàng lớn nhất, mỗi năm MB đầu tư cho công nghệ khoảng 100 triệu USD liên tục trong vòng 7 năm, áp dụng công nghệ mới nhất để giải bài toán có khách hàng nhanh. Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm MB có 5 – 7 triệu khách hàng mới, dẫn đầu thị trường về số lượng giao dịch và số lượng khách hàng mới vào hệ thống.
Song song đó, MB cũng dùng hệ thống của các công ty công nghệ đang làm, vận dụng vào MB, qua đó khiến doanh thu từ áp dụng chuyển đổi số của MB tăng gấp 3 lần so với thông thường.

Từ đó, MB xin ý kiến của các cổ đông MB cho phép đầu tư lớn cho công nghệ và tăng cường công tác nhân sự cho chuyển đổi số và dữ liệu.
Ông Thái kiến nghị nên ưu tiên các cơ hội về chuyển đổi số, các dự án lớn về công nghệ, dự án về nền tảng mới cho DNNN, từ đó phát huy tính dẫn dắt của các đơn vị này.
Ngoài ra, ông Thái đề nghị cho phép DNNN có chế độ trả lương như doanh nghiệp tư nhân, từ đó các DNNN sẽ dựa vào doanh thu, lợi nhuận để đầu tư cho chuyển đổi số.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng cho biết để chuyển đổi số nhanh, cần xây dựng quy trình và thể chế khi chuyển sang môi trường số do có sự khác biệt, tức là phải xây dựng quy trình, văn bản quy phạm pháp lý và thể chế kèm theo.
Ông Thắng cho rằng cần đột phá về mặt dữ liệu, tức là các bộ ngành, địa phương phải chỉnh lý tài liệu. “Số lượng tài liệu cần chỉnh lý rất nhiều, phải xác định tài liệu nào cần số hóa, tài liệu nào cần chỉnh lý, tài liệu nào cần lưu trữ”, ông Thắng nêu.
Ông Thắng cũng nhấn mạnh cần đột phá về hạ tầng. Để kết nối trên môi trường số phải có sự kết nối, tốc độ tốt, có hệ thống lưu trữ, tính toán nhanh, hiệu quả, an toàn, có các thiết bị đầu cuối.
Theo đó, các nền tảng số này cần được đưa vào hoạt động, khai thác. Điều này đòi hỏi không chỉ các doanh nghiệp chuyển đổi số mà còn cần sự tham gia tích cực của người đứng đầu, các cán bộ nghiệp vụ của cơ quan, đơn vị đó.
Ngoài ra, điều quan trọng là phải bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, bảo đảm không bị rò rỉ, thất thoát, lấy cắp thông tin; công chức, viên chức cần nâng cao nhận thức đối với công tác chuyển đổi số.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Đức Long cho biết hiện nay DNNN hoạt động tại nhiều lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, tài chính… đã đạt được một số thành công trong chuyển đổi số và đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, nhiều DNNN hiện nay năng suất lao động, hiệu quả sản xuất còn thấp, chuyển đổi số manh mún.
Theo ông Long, chuyển đổi số rất cần vai trò của người đứng đầu. Công thức chuyển đổi số gồm 70% là chuyển đổi, 30% là công nghệ.
“Ứng dụng công nghệ thông tin thì phổ biến, ai cũng có thể làm nhưng chuyển đổi số thì chỉ người đứng đầu, vì chỉ có người đứng đầu mới quyết định chuyển đổi. Tuy nhiên, người đứng đầu không phải chỉ có chỉ đạo mà còn phải trực tiếp làm, trực tiếp phụ trách. Đây là tinh thần của Nghị quyết 57”, ông Long nói.
Theo ông Long, thời gian vừa qua, các tập đoàn, công ty nhà nước thực hiện chuyển đổi số nhưng đôi khi vẫn là trào lưu, chưa đi vào thực chất. Chuyển đổi số là đổi mới sáng tạo, tạo ra những mô hình mới, có những rủi ro, người đứng đầu nếu không trực tiếp làm thì sẽ không thành công.
Ngoài ra, chuyển đổi số thể hiện trên dữ liệu. Dữ liệu rất quan trọng, nếu không có dữ liệu thì tất cả công nghệ đều vô nghĩa. Tuy nhiên, hiện nay ý thức xây dựng dữ liệu trong các doanh nghiệp còn thiếu, đặc biệt là các DNNN. Một số doanh nghiệp đã có ý thức xây dựng dữ liệu, qua đó đã áp dụng được trí tuệ nhân tạo, nâng cao được hiệu suất lao động.

Lãnh đạo Bộ KH-CN cũng cho rằng chuyển đổi số cần một doanh nghiệp công nghệ số đồng hành, vì chuyển đổi số là một quá trình chứ không phải là một công đoạn.
“Chuyển đổi số là chuyển đổi là chính, là sự thay đổi sự cải tiến liên tục quy trình và ứng dụng các công nghệ tạo ra các mô hình kinh doanh mới, các sản phẩm mới. Hiện nay cơ bản các doanh nghiệp lập đề án đầu tư, đầu tư là một bài toán cố định, khi đầu tư xong rồi nếu muốn thay đổi, sửa đổi thì chúng ta lại phải lập dự án để điều chỉnh chuyển đổi. Do vậy không có sự linh hoạt”, ông Long nêu.
Cũng theo ông Long, chuyển đổi số là chuyển đổi mô hình kinh doanh để tạo ra tăng trưởng mới. Bản chất của tăng trưởng trên 10% hiện nay của Việt Nam không thể đến từ mở rộng quy mô mà cơ bản phải đến từ đột phá mô hình kinh doanh.
“DNNN cần chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang doanh nghiệp số, dựa trên khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp hãy nghĩ ra các mô hình để đột phá và đặt ra các bài toán để doanh nghiệp chuyển đổi số giải quyết các bài toán đó”, ông Long gợi ý và cho biết Bộ KH-CN sẽ đóng vai trò là trung tâm kết nối giữa DNNN có nhu cầu chuyển đổi, nhu cầu giải quyết các bài toán với chuyển đổi số; hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước trong việc ứng dụng và thương mại hóa trong đổi mới.
Nguồn: https://1thegioi.vn/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-ai-cung-co-the-lam-nhung-chuyen-doi-so-thi-phai-do-nguoi-dung-dau-231575.html